GIEO DUYÊN

Ngày xửa ngày xưa … có một hoàng tử từ bỏ ngai vàng, đi tìm chân lý ở trong rừng sâu. Rừng sâu có gì để tìm chân lý? Và một ngày kia dưới cây bồ đề, vị hoàng tử đó đã trở thành Đức Phật. Đức Phật đã đi khắp nơi để mang lại ánh sáng cho con người, cùng đi theo Ngài có rất nhiều vị sư khác. Và Đức Phật cùng những vị tăng ni ấy cũng khất thực. Tại sao có những phật tử chu cấp cho Đức Phật đầy đủ như Cấp Cô Độc mà Ngài và tăng đoàn lại phải khất thực?

Nói đến đây … chú An nhìn chúng tôi, rồi chậm rãi nói … Đó là “gieo duyên” … Tôi thực tình chưa hiểu ý chú … “Có vay thì có trả” – Đó là nguyên lý của trời đất. Thật vậy, khi Đức Phật và tăng đoàn nhận thực phẩm cúng dường từ bá tánh, tức là đang vay. Vậy họ trả bằng gì và có khả năng trả không?

Đó chính là nhân mà Đức Phật và tăng đoàn gieo trong nhân gian ở kiếp này, có thể trả ở kiếp này hay những kiếp sau và sẽ trả lại cho nhân gian vào ngày nào đó tùy theo duyên nghiệp. Thật vậy, Đức Phật sẵn sàng vay và trả cho nhân gian để gieo mầm thiện ở khắp nơi. Quả thật, Tôi nghe chú An kể chuyện vào một đêm tối trong một ngôi nhà nhỏ, trong không gian tĩnh mịch xung quanh, có thể tôi chưa hiểu lắm nhưng tôi cảm nhận được điều gì đó tốt đẹp từ câu chuyện …

Đêm tối nhìn ra là màn đêm, chú An nói với tôi: “Cậu ra cửa mà xem … Tôi chưa hiểu ý chú, sao lại ra đứng ở cửa … rồi chú giải thích cho tôi hiểu … Cậu có thấy là khí trời tuyệt vời không? Quả thật là như vậy … Ai mua không khí, tôi bán cho …… Hôm đó, mọi người ăn cơm còn tôi nhịn ăn, đang ăn thì trời mưa. Mỗi người đều mang đồ chạy vào nhà, chỉ là món mì xào và món cháo chay giản dị, một ít trái cây nhưng mọi người hình như không phải đang ăn mà đang thưởng thức cuộc sống, thưởng thức không khí nơi đây … Những cuộc trò chuyện của các cô chú anh chị em và 11h mọi người đi ngủ.

3 giờ sáng, Tôi thức dậy … một không khí dễ chịu, một sự thoải mái … dù hôm qua nhịn ăn … Tôi chợt nghĩ đâu cần phải đi đâu xa … nơi những vùng quê, nơi có những dòng sông, ngọn núi, cánh đồng, nơi có những con người chân thật, hiền hòa,… cũng đủ để cho chúng ta – những người lữ hành trên con đường vạn dặm của cuộc sống dừng chân, hít một hơi thật sâu để nhắc mình … mình chính là một phần của thiên nhiên đó …

Có bao giờ trước một dòng sông … nhìn dòng nước chảy xiết, chúng ta tự hỏi … Nước kia chảy về đâu? Và có bao giờ trước dòng đời, chúng ta tự hỏi … Ta đang đi đâu? Câu trả lời có thể là sự im lặng, có thể nó là dấu ba chấm bỏ lửng … để rồi chúng ta thiếp đi trong giấc ngủ … để rồi thức dậy với một ngày mới mà hình như không mới … và câu trả lời vẫn là những dấu ba chấm …

Sáng dậy, chúng tôi được chủ nhà thết đãi món bắp luộc, xôi vò, trái cây,… Thật tuyệt vời! Rồi mọi người cùng nhau đi xem những vườn cây, những cây thuốc … “Đất như Mẹ, Thuốc như Con”… mang lại ích lợi cho con người.

Tối thứ 5, mình đặt vé xe đò. Sáng thứ 7, chạy qua nhà Liêm, hai anh em đi bộ ra bến xe. 7h hơn xe tới, thấy mấy người đang vẫy tay, hóa ra là cô Karuna và chú Tanmaya. Mình và Liêm leo lên xe, cùng đi có Thủy – một giáo viên mới. Cô Karuna lúc nào cũng vui vẻ trên xe. Lát sau, cô mời mọi người ăn bánh mì, mình vẫn nhịn ăn. Chú Tanmaya và cô Karuna ăn trước, còn Liêm và Thủy có vẻ hơi mệt nên chưa ăn. Mình chọc Thủy, phải xem lại tư cách thanh niên, làm sao mà yếu hơn người già.

Giờ này khởi hành, đường đi có rất nhiều xe nên bác tài phải đi đường vòng. Rồi cũng tới nơi, mọi người trả tiền vé khứ hồi để chiều về. Đến nơi sau một hồi lòng vòng trả khách. Có một nhóm cũng khá đông người ở nhà chú An. Chú An đang tiếp khách, mình ra hiệu cho Liêm đi ra phía sau. Lúc này, Thủy và Liêm bắt đầu lấy bánh mì ra ăn. Đang ăn được nửa ổ, Liêm kêu lên, ủa bánh mì chay! Mọi người cười!

Cả nhóm đi vòng ra sau xem vườn cây, rồi vòng ra trước xem phòng tập yoga. Đang thập thò ở cửa, Thủy nói … vô xem đi … Đúng lúc đó, nhóm bạn trẻ từ trên đi xuống, Liêm và Thi nhận ra nhau … Mình cũng nhận ra Thi, tưởng ai vì đã gặp nhau ở khóa huấn luyện giáo viên vừa rồi … Lần này, Thi dắt theo một nhóm bác sĩ … gặp nhau ở đây cũng bất ngờ …

Khi vào nhà, mọi người trong nhóm nói chuyện, trong lúc đợi đến 11h để cô Karuna dạy lớp, chủ yếu dạy trong gia đình. Nhưng rồi lại dạy nhóm bác sĩ trẻ, mang hết cả chiếu ra mà cũng không đủ, cô Karuna dạy vui … vừa dạy vừa hỏi …

Lát sau, chủ nhà đãi cơm chay, mình vẫn nhịn ăn nên nói thoải mái. Các bạn trẻ rất dễ thương. Khi ăn xong, cô Karuna, chú Tanmaya và Thủy về trước. Mình và Liêm ở lại cùng các bác sĩ để xem vườn thuốc. Thăm vườn thuốc làm các bác sĩ thích thú, ghi ghi chép chép, còn mình và Liêm là dân ngoại đạo nên mình nhìn cây nào cũng như cây ấy. Lúc sau, mình và Liêm leo lên nhà trước ngồi nghỉ … Liêm thích quá, thấy khung cảnh ở đây thật tuyệt, Liêm rất muốn làm một nơi tương tự như vậy ở quê …

Rồi các bác sĩ cũng lên đến nơi. Thăm nhà xong, chúng tôi trở về, trong căn nhà lợp mái tranh, các bác sĩ trẻ ngồi nghe chú An nói về nghề y, tôi cũng ngồi nghe ké vì mình là dân ngoại đạo, cũng có cơ hội để mở mang đầu óc … Làm công việc gì cũng cần cái tâm. Thật vậy, sự thành công của người thầy thuốc chính là giúp đỡ được nhiều nhất cho người bệnh và chính người bệnh cũng là người thầy của bác sĩ. Do đó, người thầy thuốc cũng cần học hỏi những người thầy dân gian, học trong trường, học trong nghề nghiệp,… Thế nên, trong khả năng của mình, chúng ta có thể liên lạc trao đổi thêm về nghề vì không ai biết hết mọi thứ cả,…

Tôi mừng vui vì ở đây tôi thấy các vị lương y đi trước có cơ hội được gặp gỡ các bác sĩ trẻ, gieo cho họ mầm thiện và các bác sĩ trẻ có thêm cơ hội trao đổi kinh nghiệm với những người đi trước và những đồng nghiệp … Mỗi chuyến đi giúp chúng tôi thêm yêu hơn không gian quanh mình … từ những con người hiền hòa, đến những cỏ cây, những cây thuốc giúp ích cho bao người …

Và mọi người cùng ăn bữa cháo chay trước khi ra về. Tôi và Liêm quyết định về cùng mọi người … Chia tay các bạn tôi nói vui chúng ta sẽ gặp nhau … ở nơi nào ấy … Bởi vì trái đất rất tròn … Hạnh phúc là sự sẻ chia … là cùng gìn giữ những tia nắng trong tim mỗi người …

Nguồn: Sưu tầm